dao-pho-va-piano-cau-chuyen-dep-ve-ha-noi-ngay-toan-quoc-khang-chien
'Đào, phở và piano', câu chuyện đẹp về Hà Nội ngày Toàn quốc kháng chiến
09/27/2023 11:45:05 Đăng bởi admin (0) bình luận

Tối 23.9, tại Trung tâm chiếu phim quốc gia (Hà Nội), bộ phim "Đào, phở và piano" của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã được ra mắt. Phim xoay quanh cuộc sống trên chiến lũy một khu phố cổ mùa đông năm 1946, trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân thủ đô.

Đào, phở và piano quy tụ sự tham gia của dàn diễn viên tài năng như Doãn Quốc Đam (chiến sĩ tự vệ), Thùy Linh (tiểu thư Hà thành), NSƯT Trần Lực (ông họa sĩ già), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sĩ Tuấn Hưng (ông Phán), NSND Trung Hiếu (cha xứ), nghệ sĩ Anh Tuấn (ông bán phở)...

Bối cảnh phim tuy chỉ diễn ra trong một ngày đêm nhưng có thể khẳng định, đạo diễn đã thành công trong việc khắc họa một Hà Nội từ gần 80 năm trước, cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Đó là một Hà Nội hào hùng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội mạnh mẽ, can trường với nhiều tầng lớp nhân dân, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay tôn giáo…

Nói về cái tên khá lạ của bộ phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho biết, là người sinh ra, lớn lên và gắn bó cả đời ở Hà Nội, từ lâu ông đã mong muốn làm một bộ phim để nói về những điều hay và đặc trưng của mảnh đất này. 

Và đào, phở hay piano chính là những đặc trưng không thể thiếu của Hà Nội xưa. Hoa đào không thể thiếu trong các dịp tết, phở là món ăn thân quen của người Hà Nội. Còn tiếng đàn piano thánh thót chính là thứ thanh âm đáng nhớ luôn vang lên trong các khu phố tĩnh lặng của Hà Nội.

Để có thể tái hiện không khí trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946 - 1947, ê kíp thực hiện phim Đào, phở và piano đã dựng một trường quay "khủng" với quy mô lớn tại một doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải (Vĩnh Phúc). 

Sau hơn 5 tháng thi công, một phim trường khá quy mô với bối cảnh là những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thập niên 1940, cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, thậm chí có cả xe tăng, toa tàu điện… đã được tái hiện.

Cuộc chiến chính là bản hùng ca mở đầu những năm tháng kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Với số lượng, vũ khí và trang bị ít ỏi, chênh lệch lớn so với kẻ thù nhưng các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô quả cảm vẫn chiến đấu bảo vệ Hà Nội thân yêu. 

Tinh thần, cốt cách cao đẹp của người Hà Nội

Bên cạnh việc khắc họa chân thực trận chiến khốc liệt của lịch sử, thì Đào, phở và piano cũng đi sâu vào tìm hiểu, lý giải cốt cách, phẩm chất người Hà Nội, làm nổi bật hình ảnh các tầng lớp người tuy rất khác nhau về thân thế, nhưng gặp nhau bởi tình yêu cái đẹp, những đam mê tao nhã, khí chất lãng tử và lòng yêu nước hồn nhiên. 

Phim tập trung khai thác những khoảnh khắc cuối cùng của họ, khoảnh khắc của tình yêu: yêu sự sinh tồn, yêu cái đẹp, yêu tự do...

Đó là một đôi tình nhân thất lạc trong cuộc chiến. Khi tìm được nhau trên chiến lũy, họ chỉ còn 6, 7 giờ đồng hồ để làm đám cưới, để chơi cho nhau nghe bản nhạc tình yêu và tận hưởng niềm hạnh phúc của vợ chồng. 

Đó là một ông họa sĩ già luôn ấp ủ vẽ được bức tranh thỏa ý của mình. Hay vợ chồng ông bán phở đam mê cặm cụi với gánh phở, chỉ mong có người để thưởng thức. Một ông phán Tây học đam mê ả đào rồi cũng bị cuốn vào thực tế cuộc chiến. Một chú bé đánh giày chỉ ước ao một chiếc mũ cảm tử quân. Một vị linh mục luôn khát khao sự an bình trong chiến trận.

Càng trong khó khăn, gian khổ, hình ảnh những người dân thủ đô lại càng ngời sáng với nét đẹp giản dị, tinh thần yêu nước đầy nghĩa cử, quả cảm và sẵn sàng tận hiến để gìn giữ Hà Nội yêu dấu, để sống chết với niềm đam mê của riêng mình.

"Phim không có mâu thuẫn, xung đột, không ai là người xấu, tất cả mọi người đều tốt với nhau và tất cả các nhân vật trong bộ phim này đều thể hiện "chất" người Hà Nội. Mỗi nhân vật tuy đóng vai trò, tầng lớp khác nhau trong xã hội nhưng đều thể hiện rõ phẩm cách anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam", đạo diễn Phi Tiến Sơn nhấn mạnh

https://thanhnien.vn/dao-pho-va-piano-cau-chuyen-dep-ve-ha-noi-ngay-toan-quoc-khang-chien-185230924081804664.htm

Bình luận
Nội dung này chưa có bình luận, hãy gửi bình luận đầu tiên của bạn.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN